8 kinh nghiệm giúp bạn mau kiếm được việc làm

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, do vậy tìm được một công việc phù hợp là điều không hề dễ.

Nếu bạn đang căng thẳng vì chưa tìm được việc làm, hãy áp dụng các kinh nghiệm dưới đây:

1. Đăng hồ sơ lên mạng


Với số người sử dụng Internet ngày càng tăng, ngày nay nhiều nhà tuyển dụng chọn cách đăng tuyển trên mạng. Hằng ngày, hàng ngàn nhà tuyển dụng sử dụng dịch vụ này để tìm hồ sơ của ứng viên. Vì vậy, bạn nên đăng ký một tài khoản trên một trang web tuyển dụng uy tín để đăng hồ sơ tìm việc. Điều quan trọng là bạn cần có bộ hồ sơ tìm việc tốt (gồm CV và thư xin việc) để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Hình minh họa.

2. Tìm việc tại website công ty


Nhiều doanh nghiệp đăng các vị trí cần tuyển ngay trên website của công ty (dưới mục Tuyển dụng hay Cơ hội nghề nghiệp). Đây là một kênh quý báu giúp bạn tìm được vị trí đang cần tuyển tại các doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

3. Nộp hồ sơ trực tiếp


Nếu bạn muốn làm việc cho một công ty nào đó, hãy gửi hồ sơ tìm việc trực tiếp cho công ty đó. Bạn nên gửi cho phòng nhân sự hay người có quyết định tuyển dụng. Thực tế không phải lúc nào bạn cũng có thể biết chính xác người phụ trách tuyển dụng. Bạn cần sử dụng mối quan hệ của mình để tìm hiểu thông tin này.

4. Nhờ người thân, bè bạn giới thiệu


Mối quan hệ bè bạn tốt đẹp là một trong những cách giúp bạn có được thông tin việc làm nhanh nhất. Bạn nên cho bạn bè, người thân biết bạn đang tìm việc làm. Họ có thể là những người đầu tiên biết những cơ hội việc làm không được đăng công khai trên báo chí hay các kênh tuyển dụng. Theo kinh nghiệm, các ứng viên có thể được mời phỏng vấn rất nhanh sau khi biết tin về vị trí cần tuyển của doanh nghiệp.

5. Tham gia ngày hội việc làm


Ngày hội việc làm cũng là một trong những cơ hội quý báu giúp bạn gặp gỡ trực tiếp với nhiều nhà tuyển dụng.

6. Tìm việc ở địa phương khác


Thật là khó khăn để bạn có thể đi đến quyết định này - tuy nhiên hãy suy nghĩ ít nhiều về nó. Nếu bạn tìm việc ở nơi bạn sinh sống chỉ là vì bạn quen với môi trường sống và cuộc sống nơi đây, thì hãy nghĩ đến việc tìm kiếm công việc ở một nơi khác. Sự thật là với cùng một loại bằng cấp, với chỗ này có thể khó kiếm được một công việc như ý, nhưng với nơi khác với nền kinh tế phát triển hơn, năng động hơn lại có vô vàn cơ hội đang chờ đợi bạn. Vì thế nếu không có gì vướng bận, không có gì lôi kéo khiến bạn bắt buộc phải ở lại hãy mở rộng địa bàn tìm kiếm việc của mình.


7. Liên lạc với công ty bạn từng dự tuyển


Hình minh họa.

Bạn có thể sẽ ngần ngại tiếp cận với những công ty bạn đã từng nộp hồ sơ. Nhưng trên thực tế, việc tích cực liên lạc với những chỗ đã từng nộp hồ sơ là cách cho họ thấy rằng bạn vẫn đang mong muốn làm công việc đó và chờ đợi hồi âm từ phía họ. Thậm chí nếu bạn đã từng tham gia vòng phỏng vấn của công ty nhưng không thấy phản hồi từ họ, bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi họ kết quả thế nào và vì sao họ không tuyển dụng bạn. Nếu như câu trả lời của họ là họ cần một ứng viên có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể đề xuất một vị trí nào đó phù hợp với khả năng và thuận tiện cho việc học hỏi kinh nghiệm. Hãy chấp nhận một công việc không mấy ưng ý ở hiện tại để hướng tới một công việc tốt hơn trong tương lai.

8. Làm việc bán thời gian


Bạn đừng ngại làm việc bán thời gian. Nếu bạn chứng tỏ được năng lực của mình, bạn sẽ có cơ hội được làm việc chính thức khi công ty có vị trí trống. Nếu không, ít nhất bạn cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, hiểu được hoạt động của doanh nghiệp, gặp gỡ những người mà bạn quan tâm và kiếm được một khoản thu nhập cho mình nữa.

Theo Webphunu